KHỦNG HOẢNG TRƯỚC NGÀY THI
10/07/2024
Chia sẻ
KHỦNG HOẢNG TRƯỚC NGÀY THI “Sao câu này làm hàng trăm lần rồi mà giờ [...]
KHỦNG HOẢNG TRƯỚC NGÀY THI
“Sao câu này làm hàng trăm lần rồi mà giờ con lại sai?”
“Sao câu dễ thế này mà con có thể sai được?”
“Con làm sao vậy? Bài này mà lại không làm được?”
Bố mẹ có thấy con mình đôi lúc rơi vào tình trạng như trên không ạ?
Có những giai đoạn các bạn ấy như rơi vào trạng thái “tư duy đóng băng” – không bật ra được kiến thức, không nhìn ra được đầu mối dù đề bài gợi ý khá rõ ràng.
Bao nhiêu kiến thức đã được học, bao nhiêu đề luyện tập đã làm… cứ như trôi đâu mất…
Những lúc này, chúng ta thường sẽ hốt hoảng, thất vọng, thậm chí tức giận, nghĩ rằng bao công sức, thời gian, tiền bạc… dường như đã bị lãng phí. Bố mẹ có biết, các con còn sẽ hốt hoảng, thất vọng hơn chúng ta nhiều!
Bố mẹ có thể sẽ nghi ngờ: “Bạn ấy còn chẳng tỏ ra lo lắng hay sốt ruột gì cả! Mắng bạn ấy, bạn ấy cũng cứ lặng im thôi.” Thực ra, khi im lặng, hay không bày tỏ biểu hiện gì, là khi con chúng ta đang KHÔNG BIẾT phải thể hiện thế nào tâm trạng và suy nghĩ của chính mình, chứ không hẳn là sự thờ ơ như bố mẹ nghĩ đâu ạ.
Chúng ta muốn giúp con thoát khỏi cả hai tình trạng này (“tư duy đóng băng” và “không biết phải thể hiện thế nào”) hay muốn con sẽ càng lún sâu và trở nên mất niềm tin vào bản thân? Chúng ta nên lựa chọn bình tĩnh, trò chuyện chia sẻ, động viên con, cùng con ôn lại bài, làm lại vài đề luyện tập củng cố, hoặc thậm chí nhờ thầy cô/ các bạn gia sư trợ giúp con một chút nếu chúng ta không thể đồng hành cùng con vì lý do nào đó; hay chúng ta nên lựa chọn để cho cảm xúc của bản thân được giải phóng và con rơi vào hoang mang lo lắng? Chúng ta sẽ muốn lựa chọn cái thứ nhất đúng không ạ? Nhưng thật khó để không có vài hành động của cái thứ hai
Cũng chỉ hy vọng rằng, bài chia sẻ này giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về những giai đoạn này, để có thể bình tĩnh xử lý hơn khi nó xảy ra; và để bố mẹ yên tâm hơn chút rằng con mình không phải trường hợp duy nhất bị như vậy
Còn cụ thể chúng ta nên xử lý thế nào, lại sẽ nên theo từng trường hợp của mỗi con. Các bố mẹ có thể trao đổi chia sẻ giúp đỡ nhau, chỉ là giúp nhau giải tỏa cảm xúc thôi cũng tốt rồi đúng không ạ?
Chúng ta cùng nhau học cách làm bố mẹ.